“Trần Thạch Tử, mười bảy tuổi, người thôn Đào Lý, huyện An, để lại hai mươi hai lượng bạc và tiền tuất.”

Hắn đọc từng đống đồ, từng cái tên không bao giờ về nữa, như thể đang làm một việc thường ngày.

Ta nghe rất lâu mới đến tên Trần Thạch Tử.

Số bạc hắn để lại ít thật.

Nhưng ta vẫn chỉ vào đống đồ kia:

“Quan gia, ta chọn người này đi, cái tên ‘Thạch Tử’ nghe thật thà.”

Còn gì thật thà hơn? Tám tháng qua, chỉ có hắn gọi ta là “cô nương”, chỉ có hắn từng nói một tiếng “xin lỗi” với ta.

Sau này táng chung với hắn, ta cũng không thiệt gì.

Đã quyết táng cùng nhau, thì cũng nên nhặt tro cốt mang về.

Ta cười dịu dàng hỏi:

“Quan gia, từ nay hắn là trượng phu của ta rồi, ta muốn mang cốt hắn về, để cha mẹ chồng ta còn có chút tưởng niệm.”

Ánh mắt vị quân quan kia cuối cùng cũng động đậy một chút:

“Cũng coi như cô có chút lương tâm.

Thi thể chất ở sau núi, muốn hỏa táng riêng thì phải nhờ bọn nhà bếp.

Một lượng bạc, cô tiếc nổi thì thôi, còn không thì đi đi.”

Một lượng bạc rất đắt.

Nếu là đốt cho cha ta, ta chắc chắn không tiếc.

Nhưng đốt cho cha của con ta, ta không tiếc chút nào.

5

Ta đặt một lượng bạc lên bàn của binh đầu nhà bếp.

Hắn nhìn ta đầy ngạc nhiên:

“Ba tháng chưa có đơn nào, mà đơn đầu tiên lại là một ả đàn bà. Cô là cái kỹ nữ mang thai đó à? Tìm được ma phu quân rồi hả?”

Bình thường họ nấu cơm, thiêu xác chỉ là việc kiếm thêm thu nhập.

Trong quân, chỉ có huynh đệ sống chết mới chịu thiêu xác đồng đội, đem tro cốt về cố hương. Cả năm chẳng mấy lần có người tới nhờ.

Từ trước tới giờ toàn là nam nhân đến tìm hắn, ta là nữ nhân đầu tiên.

Trên đường tới sau núi, rất nhiều người lặng lẽ nhìn theo ta.

Có người thậm chí đi theo giúp ta tìm xác, không lấy tiền.

Tìm một lúc, có người bật khóc:

“Hắn cũng may đấy, có đàn bà chịu sinh con cho, còn chịu tốn bạc mang xác về chôn.

Không biết lão tử chết rồi, còn sót được mấy khúc xương, có được chôn ở quê nhà không nữa.”

“Khiếp, khóc cái gì!

Chết thì ở đâu chẳng nằm, có bản lĩnh thì mong mình nguyên vẹn quay về!”

“Ta chết rồi cũng không muốn về. Dù sao mẹ ta cũng chẳng thương ta, chôn sau núi còn có huynh đệ bầu bạn nói chuyện.”

“Hu hu hu, nhưng ta muốn về…

Mẹ ta còn đang đợi ta cưới vợ mà…”

Sau đại chiến, quân doanh là nơi u uất, sầu thương, sợ hãi.

Có người trút giận trên võ trường, có người trút lên thân thể bọn ta.

Binh đầu đã quen rồi, hắn vừa nghe tiếng khóc vừa thành thạo lật xác.

Rất nhanh, hắn tìm ra một thi thể đẫm máu.

Ta biết binh tiên phong chết đều thảm, nhưng chỉ khi thấy tận mắt, mới hiểu thế nào là “đao kiếm vô tình”.

Tai trái Trần Thạch Tử không còn nữa, kỳ thực ở đây, phần lớn tử sĩ đều cụt tai trái.

Nghe bảo, người Bắc Nhung chém lấy tai làm công trạng.

Mắt trái hắn cũng chẳng còn, bên trong từng bị cắm mũi tên, giờ chỉ còn một lỗ hổng.

Ngực phải, bắp chân, đều có lỗ thủng, nhưng vết chí mạng là nhát đao sâu hoắm ở bụng.

Binh đầu xoay mặt hắn lại:

“Nhìn cho kỹ, đúng như ảnh vẽ đấy. Ta không tìm nhầm người cho cô đâu.”

Ta gật đầu, dùng khăn chấm nước, lau sạch khuôn mặt cho hắn, lại thay cho hắn một bộ y phục sạch.

Áo giáp trong quân không nhiều, thi thể đều bị lột giáp.

Hắn chỉ mặc áo lót mà đốt, không thể diện gì.

Tiếng nức nở phía sau càng lớn hơn.

Có người khẽ nói:

“Sau này vào trướng, ta cũng đối xử tốt hơn với mấy cô nàng đó…

Cũng có nghĩa có tình phết.”

Ta cười khẩy trong lòng.

Ta có tình nghĩa với Trần Thạch Tử là bởi hắn chưa từng chạm vào ta.

Đổi là kẻ khác, đưa bạc là ta đi ngay.

Binh sĩ khổ thật, nhưng chẳng lẽ chúng ta không đáng thương sao?

6

Ta sắp rời đi, còn An Đại thì cũng sắp chết.

Ta dúi cho quản sự một trăm văn, cầu xin hắn cho ta đưa An Đại ra ngoài, để nàng có thể chết ở một nơi yên tĩnh.

An Đại là tù binh, không rắc rối gì chuyện xóa tên hay sổ sách. Hắn cân thử túi tiền rồi gật đầu đồng ý.

Ta lại bỏ thêm mấy chục văn để thuê một chiếc xe.

An Đại yếu đến mức không còn đi nổi nữa.

Chúng ta tránh cái nắng gay gắt giữa trưa, lần hiếm hoi được bước dưới ánh mặt trời.

Ta muốn đưa nàng đến tận phía Bắc thành Đồng, nơi gần cố hương nàng nhất, để nàng có thể ngước mắt nhìn về.

Gió xuân mang theo hương hoa, khiến đôi mày nhíu chặt của An Đại dãn ra.

Nàng mỉm cười với ta: “Đại Nhi tỷ, thật tốt… muội sắp chết rồi.”

Chúng ta dừng lại bên một gò đất nhỏ, ở đây đã được đào sẵn mộ phần, là do Doanh Chi âm thầm chuẩn bị.

Nàng không thể rời khỏi doanh trại, nên chỉ có thể dùng tiền thay lời tiễn biệt cuối cùng gửi đến An Đại.

Nơi này là nghĩa địa gần Bắc Nhung nhất.

An Đại nhìn ánh tà dương, thì thầm hỏi ta một câu cuối:

“Đại Nhi tỷ, tỷ nói xem, đánh trận là vì cái gì? Chẳng lẽ chỉ để chết mãi không thôi sao?”