Chuyện bạc ở nhà ta không xảy ra tranh chấp, nhưng một nhà khác, nhà của Trần Nhị Cẩu, thì xảy ra không ít chuyện.

Con trai nhà ấy, cũng giống Trần Thạch Tử, bị chọn vào doanh tiên phong và hy sinh.

Nhưng khác ở chỗ, hắn để lại vợ và một đứa con gái.

Con bé mới ba tuổi, gầy trơ cả xương, đã bệnh mấy hôm.

Mẹ nó cầu xin cha mẹ chồng mời thầy thuốc, nhưng họ chẳng những không chịu, còn chửi mắng nàng to tiếng:

“Đồ đàn bà khắc chồng, giết chết con trai nhà này, đẻ ra lại là một đứa con gái không thể nối dõi.”

Vị phu nhân họ Ngô ấy nhìn con mình yếu từng ngày, lòng sốt ruột, mới liều trộm tiền tuất do cha mẹ chồng giữ, nấu thuốc vừa xong thì đã bị bắt tại trận, còn bị dọa tố quan.

Nghe được tin, thúc và thẩm họ Trần liền chạy sang.

Ta đứng trong sân nhà, nghe tiếng họ vang dội rành rọt từng chữ:

“Trần Nhị Cẩu, ngươi còn làm loạn gì nữa? Còn muốn đem con dâu tố quan?

Ta xem rồi, quan phủ chưa chắc đã xử nàng, mà trước tiên sẽ đánh ngươi đấy!

Đó là bạc đổi mạng của con trai nàng, dùng để chữa bệnh cho con gái, chẳng phải là chuyện đương nhiên hay sao?”

“Con bé kia chính là dòng máu cuối cùng mà lão Nhị để lại, ngươi lại nhẫn tâm giữ hết tiền đưa cho lão Đại?

Ngươi liệu hồn đấy, đêm nay lão Nhị có khi về bóp cổ ngươi đấy!”

Chuyện càng lúc càng lớn, đến tộc trưởng cũng phải tới.

Thúc Trần lớn tiếng nói:

“Đại bá, chuyện này ngài nhất định phải quản.

Nếu không, lần sau chiêu binh, ai còn muốn đi nữa?”

Họ cố tình nói lớn như vậy.

Ở quê, nhà nào cũng nhiều con trai, mỗi lần chiêu binh, chọn ai không chọn ai cũng là chuyện ầm ĩ.

Nếu bỏ mạng ngoài chiến trường, tiền tuất lại rơi vào tay anh em còn sống, vợ con mình lại chẳng được cứu chữa, thì lần sau, có đánh chết cũng chẳng ai chịu đi nữa.

Tộc trưởng dĩ nhiên hiểu ý thúc Trần.

Ông dựa theo tộc quy, mắng cho Trần Nhị Cẩu một trận, lại buộc phải chia nửa số tiền tuất cho nàng Ngô.

10

Chuyện êm xuôi rồi, ánh mắt thẩm Trần nhìn ta càng thêm dịu dàng.

Bà nắm tay ta nói:

“Đừng sợ, nhà chúng ta không như vậy đâu.

Sau này trong nhà có gì, đều là của mẹ con con.”

Từ nhỏ ta chưa từng được yêu thương, lớn lên rồi, liền khát khao từng chút ấm áp, dù là một tia nhỏ cũng đủ.

Doanh Chi đối tốt với ta nhất.

Trần Thạch Tử cũng từng dành cho ta chút tôn trọng, khiến lòng ta vui sướng.

Nhưng chưa từng có bậc trưởng bối nào dịu dàng với ta như vậy, sự dịu dàng đó khiến ta thao thức cả đêm không ngủ nổi.

Nửa đêm, ta nghe tiếng loạt soạt trong phòng ngoài, dường như thúc và thẩm đang tìm thứ gì đó.

Một lúc sau, thẩm khẽ nói:

“Tìm được rồi. Gói thuốc chuột này ông mang đi vứt đi.

Chúng ta già rồi cũng không được chết, chết rồi, cô bé mẹ goá con côi kia biết sống thế nào đây?”

“Được, ta mang chôn ngay.

Không thể để Đại Nhi lỡ tay đụng vào, nhỡ đâu tưởng đồ ăn mà ăn nhầm, thì hại người quá rồi.”

Trần Thạch Tử đã cầu xin ta bằng tất cả sự chân thành.

Nếu ta không đến, thì đôi vợ chồng tốt bụng này thật sự đã định đi theo hai đứa con rồi.

Ta khẽ vuốt ve bụng, vẫn còn phẳng lì, lần đầu tiên trong lòng dâng lên sự tò mò về đứa trẻ.

Ban đầu, ta chỉ coi nó là công cụ để thoát khỏi doanh kỹ.

Nhưng bây giờ, nó chưa ra đời, mà đã cứu sống ba mạng người.

Nó đến từ ác mộng của ta, nhưng chính nó, lại không khiến ta thấy đau khổ.

11

Người dòm ngó bụng ta ngày một nhiều.

Chuyện nhà Trần Nhị Cẩu khiến không ít người biết, rằng số tiền tuất đặc biệt được gửi về thế này có thể lên đến hai mươi lượng bạc.

Bọn họ đều hy vọng ta sinh con gái, để có cớ thuyết phục thúc và thẩm nhận nuôi một đứa bé cùng họ, hòng chiếm được số bạc ấy.

Bụng ta mỗi ngày mỗi lớn.

Ta cũng không rõ mình mong con là nam hay nữ.

Nhưng nụ cười trên mặt hai vị trưởng bối lại ngày càng rạng rỡ.

Đến ngày sinh, ta đau từ trưa đến tối.

Thẩm gọi bà đỡ.

Đứa bé vừa ra đời, bà đỡ liền nhìn ta đầy thương xót, không dám cười quá to, chỉ khẽ nói với họ:

“Chúc mừng chúc mừng, là tiểu thư, cũng coi như thêm người, thêm phúc.”

Ta ngẩng đầu nhìn thúc và thẩm Trần, họ không có chút thất vọng, chỉ vui vẻ bế lấy đứa trẻ:

“Nhìn cái mặt nhăn nheo kìa, y hệt như thằng bé nhà ta lúc mới sinh. Có hậu rồi, thằng bé nhà ta có hậu rồi!”

Thẩm cúi người cho ta nhìn con:

“Xem này, bé gái khoẻ mạnh. Ta bế nó ra ngoài nhé, con ăn chút cơm gà, rồi nghỉ ngơi, sinh con vất vả lắm rồi.”

Ta nhìn sinh linh bé nhỏ, xấu xí, nhưng mềm mại, ấm áp, khóc đỏ cả mặt mày, trong lòng ta có đáp án.

Ta muốn con.

Muốn con làm con gái ta.

Muốn con bình an lớn lên.

Muốn con sống một đời tốt hơn ta gấp trăm ngàn lần.

Doanh Chi từng bảo ta hãy sống một đời như người thường.

Giờ thì ta mới bắt đầu suy nghĩ: rốt cuộc sống như người thường là thế nào?