Phó Diễn chớp mắt, dưới ánh trăng, vẻ đẹp của hắn như tiên giáng trần.
Chỉ là… vành mắt hắn đỏ hoe, tựa như ngàn lời muốn nói mà chẳng nói nên câu.
Ta bẻ một cành hoa mơ, đưa tới trước mặt hắn:
“Phó Diễn, chàng có nguyện ý không?”
Hắn vừa đưa tay đón cành hoa, lệ liền trào ra khỏi mắt.
Ta kinh ngạc nhìn hắn, phát hiện đôi mắt kia ánh lên sắc xanh ngày càng rõ rệt.
Đúng lúc đó, trong phòng ngủ bước ra một nữ nhân.
Nàng mặc áo váy màu mơ nhạt, búi tóc đơn giản, phục sức mộc mạc.
Thế nhưng… lại không thể che nổi khí chất cao quý và dung mạo tuyệt trần.
Ta nhìn nàng, không chút do dự lao tới:
“Mẫu thân!”
Ta lao vào lòng mẫu thân, nước mắt lã chã.
Bà vuốt tóc ta, cười nhẹ:
“Sắp làm đại tướng quân rồi, sao vẫn như trẻ con, nói khóc là khóc vậy?”
Ta lau nước mắt, ôm chặt tay bà:
“Không phải người nói ngày mai mới tới Lương Châu sao?”
“Đoàn nghi trượng thì mai đến, ta cưỡi ngựa đi trước.”
Mẫu thân lấy khăn tay lau sạch bùn đất trên tay ta:
“Con sốt ruột quá, sớm lấy rượu nữ nhi hồng cha con chôn ra rồi.
Không phải nói, đợi thắng cuộc thi võ, mới mở rượu mừng sao?”
Ta quay sang nhìn Phó Diễn.
Hắn vẫn nắm chặt cành hoa mơ, nhìn hai mẹ con ta.
Ta hắng giọng một cái, nói nhỏ:
“Mẫu thân, đây là Phó Diễn – người con từng nhắc tới trong thư.”
Mẫu thân nắm tay ta, từ từ bước đến, đánh giá hắn từ trên xuống dưới.
Tính bà xưa nay ôn hòa, mà giờ lại không nói một lời, khiến không khí bỗng trở nên nặng nề.
Phó Diễn cũng bất động như tượng.
Hai người lặng lẽ nhìn nhau.
Cuối cùng, hắn khẽ động.
Chỉnh lại y phục, quỳ xuống thật ngay ngắn, trịnh trọng hành lễ:
“Nhi thần… tham kiến mẫu phi, nghênh giá hồi Lương Châu.”
12
Năm ta mười ba tuổi, bước chân ra khỏi lãnh cung, chỉ thấy ánh trời chói lọi đến nỗi ta chẳng thể mở mắt.
Mà sinh mẫu của ta, đã âm thầm lìa đời trong chính tẩm cung nơi ta trưởng thành.
Ta nhớ đêm ấy, người đột ngột xông vào phòng, ôm chặt lấy ta.
Có lẽ quá vui mừng, mẫu thân bất giác thốt lên mấy câu tiếng Man Di.
Ta lập tức bịt miệng người, lắc đầu nhè nhẹ.
Mẫu thân ta mang một nửa huyết thống Man Di, là công chúa của một chi vương tộc nơi biên tái.
Nếu xét theo tục lệ Đại Hạ, nàng cũng được tính là hậu nhân vương thất.
Được phụ hoàng sủng hạnh một lần rồi liền bị bỏ quên.
Không may, nàng mang thai sau lần ấy.
Chốn thâm cung, nếu không được hoàng hậu cho phép, chẳng nữ nhân nào có thể an ổn sinh hoàng tử.
Người mẫu thân yếu đuối, nhút nhát của ta đã dùng bạc để xin chuyển vào lãnh cung, lặng lẽ hạ sinh ta nơi hẻo lánh.
Ta lớn lên như con mèo trong đêm – lặng lẽ, âm thầm, vô thanh vô tức.
Cả hoàng cung chẳng ai biết, còn có một vị hoàng tử mang dòng máu tạp chủng như ta.
Chỉ khi đêm khuya yên ắng, ta mới dám ra ngoài ăn cơm, tản bộ.
Cẩn trọng, dè dặt, lặng thinh… cứ thế mà sống đến năm mười ba tuổi.
Đêm đó, mẫu thân khóc, nói với ta:
“A Diễn, con có cơ hội ra khỏi lãnh cung rồi.”
Người đã tìm được Lương Châu vương phi, dùng một viên giải dược đổi lấy thân phận hoàng tử cho ta.
Viên thuốc quý ấy do người mang từ đất Man Di về.
Vương phi đang cần gấp viên thuốc đó để cứu con gái – một tiểu cô nương bị trúng độc nặng.
Mẫu thân trao viên thuốc vào tay ta, thúc giục:
“Đi đi, nhanh lên! A Diễn, ra ngoài ánh sáng, trở thành một con người.”
Rời lãnh cung, ta không còn là bóng ma ẩn mình nữa, mà trở thành hoàng tử cao quý, được xưng là con trai của Quý phi – đích nữ họ Thôi danh giá.
Người đứng sau ta, là toàn bộ dòng tộc Thôi thị Thanh Hà.
Quý phi quyền khuynh hậu cung đứng trên bậc thềm, lặng lẽ nhìn ta.
Ta nhận ra nàng.
Đêm ấy, nàng ngồi trông bên giường một thiếu nữ, nước mắt không ngừng rơi.
Lương Châu vương phi – giờ đã là Quý phi sủng ái nhất hậu cung.
Ta quỳ trên phiến đá lạnh lẽo, cung kính dập đầu.
Nàng dẫn ta vào thư phòng trước mặt bao người.
Ánh mắt Quý phi lặng lẽ nhìn vào đôi mắt xanh lục của ta, chợt mỉm cười:
“Con bé ấy từ nhỏ đã thích màu xanh, nếu thấy đôi mắt này, nhất định sẽ rất yêu thích.”
Ta cúi đầu không đáp.
Về sau, Quý phi thường nhắc đến cô gái ấy trước mặt ta.
Có khi, nàng cho ta xem tranh.
Trong tranh, một thiếu nữ uy phong lẫm liệt giương cung nơi thao trường, ánh mắt sáng rực, mang khí thế “thiên hạ ai bằng ta”.
Nàng thở dài nhìn dải lụa xanh trên đầu thiếu nữ ấy:
“Lớn hơn nhiều rồi. Nghe nói phụ thân nó tìm bao nhiêu người làm bạn luyện võ, ai cũng không chịu nổi tay nó. Sau cùng thu một tên tên là Linh Tiếu Dã, chịu đòn khá lắm.”
Ta biết, nàng chỉ cần một người nghe mình kể.
Và kẻ duy nhất có thể nghe, chỉ có ta.
Một hôm, nàng nói:
“Mẹ ngươi đặt cho ngươi cái tên Diễn. Trong tiếng Man Di, nghĩa là sinh sôi bất diệt, thịnh vượng trường tồn.
Nhưng ở Đại Hạ, nếu làm Thái tử, tên này có vẻ quá đỗi đơn bạc.”
Nghe đến đó, ta liền quỳ xuống thưa:
“Xin mẫu phi ban danh.”
Nàng nâng ta dậy, dịu dàng nói:
“Ta đặt thêm một chữ ‘Thừa’, gọi là Lý Thừa Diễn – mang nghĩa thừa hưởng thiên ân, cát lợi vô cùng.
Ngươi là đứa trẻ có phúc khí, có trời che chở.
Ngày mai, thánh chỉ lập Thái tử sẽ được ban ra từ Nội các.
Từ hôm đó, ngươi chính là Thái tử Đại Hạ.”
Ta lặng thầm lặp lại ba chữ “Lý Thừa Diễn”.
Nhìn về bức tranh trên bàn, lần đầu tiên ta cất tiếng:
“Người che chở ta không phải là trời xanh, mà là vương phi.
Đợi ngày ta đăng cơ, sẽ nhường ngôi cho Thái Bình.
Xin người yên lòng, khi nàng hồi kinh, ta sẽ quét sạch mọi chướng ngại, để nàng thuận lợi đăng vị.”
Ta biết, mọi chuyện Quý phi làm, đều vì nàng – thiếu nữ đang ở Dung huyện xa xôi.
Nàng muốn bảo vệ người đó, cả đời thuận buồm xuôi gió, không ai có thể uy hiếp.
Quý phi nghe ta nói, chẳng đáp gì.
Nàng… không tin ta.
Một vài năm sau, tin Lương Châu vương Tần Bất Quy bệnh mất từ Dung huyện truyền tới.
Hôm đó, Quý phi lặng ngồi nơi bậc thềm, tay cầm một cành hoa mơ, trầm mặc hồi lâu.
Ta tiến lên nói:
“Thái Bình mất cha, hẳn đau lòng lắm. Vương phi nên đến Lương Châu thăm nàng.”
Đại tỷ võ Lương Châu sắp diễn ra, Thánh thượng muốn đến để củng cố lòng quân.
Nhưng người nằm bệnh lâu ngày, không thượng triều.
Hoàng hậu bị giam cầm trong cung, không thể rời khỏi.
Chỉ còn lại ta và Quý phi có thể làm chủ việc lớn.
Ta khuyên Quý phi đi Lương Châu, trong lòng lại mang tâm tư riêng.
Ta muốn gặp nàng.
Muốn tận mắt thấy người con gái kiêu ngạo phi dương ấy, rốt cuộc là dáng vẻ thế nào.
13
Ta gặp được Tần Thái Bình trên đường đến Lương Châu.
Ám vệ tới báo, nàng mang theo một túi bạc, đến Thanh Châu, tìm tới kỹ viện nổi danh nhất nơi đó.
Vừa bước vào, nàng liền bảo với bà mối: “Ta muốn mua một thanh quan.”
Khi ấy ta không hiểu bản thân đang nghĩ gì, vậy mà lại… giả làm thanh quan.
Ta khoác một thân bạch y, ngồi trên đài cao gảy đàn, ngẩng đầu liền thấy Tần Thái Bình bước vào.
Nàng mặc một bộ áo lục nhạt, búi tóc rối như ổ chim, cài một cây trâm ngọc xanh mướt. Nhìn sơ qua… hệt như một nàng trúc tinh thành hình.
Vừa ngồi xuống ghế, đã lộ ra đôi giày thêu lá xanh.
Nếu không phải dung mạo nàng quá đỗi diễm lệ, bộ dạng ấy đúng là khiến người ta không nỡ nhìn thẳng.
Khó trách Quý phi mỗi lần nhận được tranh từ Dung huyện gửi đến, đều chỉ biết thở dài.
Ban đầu ta chẳng hứng thú gì. Nhưng vừa thấy ánh mắt nàng liếc về phía mấy tiểu quan khác, ta bỗng nhiên sinh tâm háo thắng, liền dốc hết sở học cả đời vào khúc đàn.
Quả nhiên, Tần Thái Bình ngẩng đầu nhìn ta.
Nàng nhìn ta một cái, rồi cúi xuống uống rượu.
Uống được nửa chén, lại ngẩng đầu nhìn.
Ngón tay nàng khẽ day lấy vành tai đã ửng đỏ, một bên uống rượu, một bên ngắm ta.
Bà mối ra giá ba trăm lượng. Gương mặt Tần Thái Bình thoáng vẻ khó xử, cuối cùng cụp mi bước ra ngoài.
Bà mối quay lại hỏi ta:
“Công tử, có cần hạ giá một chút không?”
Ta cúi đầu gảy đàn, khẽ lẩm bẩm:
“Nương nương nói nàng và Tần tướng quân cùng một tính tình.
Nếu đã thích, tất sẽ đem hết bảo vật trong thiên hạ dâng đến trước mắt người mình yêu.
Đ_ọc… f/ull# tại, P:a;g.e “Mỗ!i ng—ày chỉ muố.n? là,m” c,á muố.i
Nếu Tần Thái Bình còn tiếc mấy trăm lượng bạc, thì dù theo nàng về cũng vô nghĩa.”
Lời thì nói vậy, nhưng lòng ta càng chờ… càng lạnh.
Trời đổ mưa, đêm đã khuya, đèn lồng ngoài phố tắt dần, nàng vẫn chưa quay lại.
Nghe nói mấy năm nay nàng cùng Tần tướng quân sống giản dị ở Dung huyện, có lẽ nhất thời không gom đủ bạc.
Ta tự tìm lý do thay nàng, cũng là để an ủi chính mình.
Quý phi từng nói: Nếu Tần Thái Bình muốn, nàng nhất định sẽ có.
Vậy mà nàng không quay lại… nghĩa là không để tâm đến ta.
Khi ta đã nản lòng thoái chí, cửa bỗng nhiên bật mở.
Tần Thái Bình ướt sũng tóc tai vì mưa, ôm một bọc bạc vội vã xông vào, thở hổn hển:
“Bà mối, ta gom đủ bạc rồi!
Phó Diễn đâu? Chưa bị người khác mua mất chứ?”
Ta nhìn búi tóc trống trơn của nàng, đoán ra nàng đã cầm luôn cây trâm đi đổi tiền.
Sau đó, ta theo nàng về khách điếm.
Đêm đó mưa lớn không dứt, nến cháy suốt canh dài.
Ta ở lại Thanh Châu cùng nàng trọn một tháng.
Từ đó, ta quen thói tiêu tiền phung phí, chỉ vì có như vậy, ta mới cảm nhận được chút ấm áp mong manh trong tính cách tùy hứng của nàng.
Tần Thái Bình lớn lên ở Lương Châu mười hai năm, phụ thân là danh tướng trấn biên, mẫu thân là danh môn quyền quý.
Nàng từng chứng kiến vinh hoa tột đỉnh, danh vọng, mỹ nhân, tiền bạc đối với nàng đều chẳng đáng một xu.
Chính vì mọi thứ quá dễ có được, nên mới dưỡng thành tính cách lười biếng, bất cần.
Mà ta đối với nàng, chỉ là người sưởi ấm giường lúc đêm khuya, một vị thuốc chữa bệnh, một con cờ có thể vứt bỏ bất cứ lúc nào.