3
Giữa mùa hè oi bức, công viên trung tâm vang tiếng ve và gió chiều lặng lẽ.
Nếu Thẩm Liêu không cứ lải nhải bên tai, thì khung cảnh chắc hẳn sẽ dễ chịu hơn nhiều.
“Mạnh Vũ Tinh, sau này cậu định học trường nào?”
“À không, định vào xưởng nào vặn ốc thế? Có nhờ được ai không?”
“Nói trước nha, đám ông chú trong group…”
Tôi lạnh mặt cầm kim chỉ dí vào miệng cậu ta:
“Không ngậm miệng lại thì tôi khâu luôn đấy.”
Thẩm Liêu lập tức co cổ, thu người lại như một con chim cút cỡ đại, ngoan ngoãn ngồi cạnh nhìn tôi khâu lại hình Peppa Pig trên vai áo.
Lúc tôi vừa thắt xong nút cuối, cậu ta lại mở miệng.
Lần này, trong giọng điệu lười biếng thường ngày có thêm chút nghiêm túc.
“Cậu định vào trường nào thật đấy?”
Tôi kéo căng chỉ, đưa đến trước miệng cậu.
Cậu hơi sững lại, sau đó cúi đầu ngậm lấy và cắn đứt.
Tôi nhìn thấy rõ ràng răng nanh nhỏ của cậu.
Ngay khi sợi chỉ đứt, tôi trả lời:
“Tôi không vào Thanh Hoa thì cũng là Bắc Đại.”
Thẩm Liêu không tỏ vẻ ngạc nhiên, nhổ vụn chỉ ra khỏi miệng rồi nhìn tôi:
“Trùng hợp thật, tôi cũng vậy.”
Tôi tưởng cậu đang chém gió.
Chắc cậu cũng nghĩ tôi nói đùa, nên mới hùa theo.
Tôi chỉ mỉm cười, không đáp.
Đúng lúc này, một giọng nam lạnh lùng vang lên sau lưng chúng tôi:
“Cậu cũng vậy là sao? Nghĩ mình học nghề à?”
Tôi quay đầu lại.
Là Thẩm Tri Thư – học sinh đứng đầu khối thực sự, không phải loại chót bảng như tôi với Thẩm Liêu.
Cậu ta đứng trên bậc thang, cúi mắt nhìn chúng tôi như thể đang đánh giá hai kẻ rác rưởi.
Thẩm Liêu không tức, trái lại còn cười toe:
“Sao thế? Quan tâm dữ vậy, tính theo tụi tôi học nghề à?”
Thẩm Tri Thư khinh miệt cười:
“Tôi khác cậu – đồ vô dụng.”
Thẩm Liêu vẫn cười:
“Ừ, tôi là đồ vô dụng, còn cậu là kẻ hèn.”
Nghe tới chữ “hèn”, mặt Thẩm Tri Thư biến sắc, cuối cùng nghiến răng bật ra một câu:
“Tôi thật sự không cố ý mà…”
Thẩm Liêu nhướng mày, thờ ơ nói:
“Tôi không muốn nghe, cút đi.”
Thẩm Tri Thư mấp máy môi, định nói gì đó nhưng rồi im lặng, chỉ để lại một câu lạnh lùng:
“Cậu cứ sống trong vũng bùn đi, Thẩm Liêu. Cứ ôm lấy cái nghĩa khí và hiếu thảo đó làm con chó cho người ta sai khiến.”
Thẩm Liêu vẫn cười, nhưng tôi đã thấy trong mắt cậu ánh lên sự lạnh lẽo và thù hận.
Ánh mắt đó, tôi từng thấy.
Trong chính gương mặt mình.
Mỗi người đều có nỗi khổ riêng.
Tôi không hỏi cậu chuyện riêng, chỉ nói:
“Nếu có khó khăn gì, cậu có thể tìm tôi.”
Cậu bĩu môi, lại trở về dáng vẻ lưu manh thường ngày:
“Thôi đi, cậu sau này mà gặp chuyện gì thì đến tìm anh đây! Anh đây ở Thanh Hoa Bắc Đại có thể lo cho cậu nhiều hơn đấy!”
Tôi lạnh lùng:
“Bớt diễn.”
4
Tối hôm đó trở về nhà, ba người nhà họ Mạnh đã ăn xong, chỉ còn lại một đống bát đũa bẩn bầy đầy trên bàn.
“Còn biết đường về cơ à?” – ông Mạnh phơi cái bụng bia nằm dài trên ghế salon, ánh mắt nhìn tôi tràn đầy khinh bỉ.
Tôi đã quen với kiểu châm chọc từ chính cha ruột của mình, chẳng buồn đáp lại, chỉ im lặng đi thẳng về phía căn phòng nhỏ ngoài ban công.
Lúc đó, Hạ Nhiên Tịch từ trong phòng ngủ – vốn dĩ là của tôi – bước ra, cười ngọt ngào:
“Chị về rồi à? Em có để phần cơm cho chị, mau đi ăn đi.”
Tôi liếc nhìn bàn ăn.
Cái gọi là “phần cơm” trong miệng cô ta chỉ là con cá đã bị moi sạch thịt, mấy món rau toàn ớt đỏ lòm, cùng một bát nước lẩu còn váng mỡ nổi lềnh bềnh.
Tôi lạnh nhạt nói:
“Không cần. Tôi không đói.”
Gương mặt Hạ Nhiên Tịch lập tức xị xuống, tỏ ra đáng thương nhìn về phía ông Mạnh.
Ngay sau đó, ông ta bỗng giận dữ quát lớn:
“Mạnh Vũ Tinh, mày làm bộ làm tịch cái gì thế hả? Cái mặt đưa đám đó của mày là học được từ con mẹ mày à? Mai mày đi làm ở xưởng cho tao! Kiếm tiền nuôi em mày học đại học 985!”
Mẹ tôi gả cho ông ta được bảy năm thì xảy ra chuyện.
Hôm đó trời mưa, ông ta nhất định bắt mẹ tôi ra chợ mua lạc để nhắm rượu.
Kết quả mẹ tôi bị trượt ngã, đầu đập vào đá ven đường, rồi ngây dại luôn từ đó.
Không lâu sau thì qua đời.
Ông ta thường mắng mẹ tôi là đồ đần, nói nếu năm đó không phải đổ tiền chữa trị cho mẹ tôi, thì ông ta đã thành đại gia rồi.
Tôi nhìn ông ta, chỉ thấy nực cười.
“985 à? Giữa tôi với cô ta ai vào được, chưa chắc đâu.” – tôi cười lạnh, nhìn về phía Hạ Nhiên Tịch, lần đầu tiên gọi một tiếng:
“Phải không, em gái?”
Sắc mặt Hạ Nhiên Tịch biến đổi ngay, nụ cười giả tạo suýt nữa không giữ được, vội lui về sau một bước, lén liếc về phía ông Mạnh rồi cao giọng phản bác:
“Chị nói gì vậy! Em không vào được 985 thì chẳng lẽ chị – người thường xuyên đứng chót bảng – vào được chắc? Chị tự tin quá sẽ bị người ta cười đó.”
Tôi thản nhiên đáp:
“Xin lỗi nhé, chị không chỉ vào được 985, mà còn là Thanh Hoa hoặc Bắc Đại đấy.”
Vừa dứt lời, Hạ Lộ – mới tắm xong – bật cười khanh khách như thể vừa nghe được chuyện cười thiên hạ.
Tiếng cười của bà ta như mở nút khởi động cho cả ba cùng bật cười.
Ông Mạnh với Hạ Nhiên Tịch cười ngặt nghẽo, giễu cợt tôi như thể tôi là trò hề.
Hạ Lộ còn cố tình vỗ tay đập vào tay ông Mạnh:
“Ông Mạnh à, vợ trước của ông có phải bị đần bẩm sinh không thế? Tôi thấy con bé này hình như di truyền rồi.”
Người ta chửi vợ cũ mình, ông Mạnh chẳng giận, còn hùa theo:
“Chứ sao nữa! Mạnh Vũ Tinh, mày đừng mơ mộng nữa! Thanh Hoa Bắc Đại? Nhìn cái mặt mày tao còn thấy xấu hổ thay!”
Hạ Nhiên Tịch lập tức móc điện thoại ra, đăng bài lên confession trường, nói rằng học sinh lớp 15 – Mạnh Vũ Tinh – tự tin tuyên bố sẽ đậu Thanh Hoa Bắc Đại.
Chẳng mấy chốc, dưới bài toàn là những bình luận “hahaha”.
Thẩm Tri Thư – vốn chẳng có thù oán gì với tôi – cũng bình luận một câu đầy tính mỉa mai:
【Dù là học sinh chót bảng nhưng năng lực mộng mơ cũng thật đáng nể. Quả là hợp với tên vô dụng Thẩm Liêu.】
Tôi không thèm để tâm.
Không lâu sau, Hạ Lộ liền kể chuyện đó cho cả khu xóm nghe.
Bề ngoài thì khen tôi có chí, sau lưng lại chê tôi hoang tưởng.
Ngay cả ở công trường, ông Mạnh cũng bị đồng nghiệp chê bai sau lưng là nuôi một đứa con gái “thích nói dối, thích nổ”.
Ông ta tức tối về nhà, đập phá, chửi rủa tôi là đồ không biết xấu hổ, khiến ông ta mất mặt.
Rồi còn định giơ tay tát tôi.
Tôi né.
Tôi nhìn ông ta chằm chằm, như dã thú nhìn con mồi, ánh mắt đầy sát khí.
Với tôi, ông ta từ lâu đã không còn là cha.
Hạ Lộ thấy thế thì chẹp miệng:
“Ông Mạnh, con gái lớn của ông bỏ đi rồi. Nhìn cái ánh mắt nó nhìn ông kìa, người ta bảo con gái là người tình kiếp trước của cha, tôi thấy con này chắc là oan gia kiếp trước thì có.”
Nghe vậy, ông Mạnh gào lên, túm lấy tóc tôi.
Tôi ngẩng đầu lên, gằn giọng hỏi:
“Nếu tôi đậu Thanh Hoa hoặc Bắc Đại thì sao?”
Ông ta phun nước bọt vào mặt tôi:
“Mày mà đậu thì tao móc mắt tao cho mày luôn! Tao mù mới tin nổi cái chuyện đó!”
Tôi hất tay ông ta ra, chỉnh lại quần áo, đi thẳng ra cửa.
Ông ta còn đang sững người vì bị tôi hất ra.
Tôi chỉ để lại một câu:
“Mạnh Hùng, nhớ kỹ lời ông nói hôm nay.”
Tôi không còn gọi là “cha” nữa.
Vì lần tới gặp lại, ông ta sẽ phải dùng tay mình móc mắt ra cho tôi.
Nói chính xác, tôi là chủ nợ.
Ông ta nợ tôi một đôi mắt.
5
Từ nhà bước ra là nửa đêm, tôi chỉ mặc một chiếc áo phông mỏng, gió đêm thổi qua khiến cánh tay lập tức tê tái.
Tôi đi mãi, đi mãi, không biết nên về đâu.
Vô thức nhớ ra Thẩm Liêu từng nói cậu làm thêm ở một tiệm net gần trường.
Tôi liền đi tìm.
Từ xa đã thấy cậu mặc áo ba lỗ đen, ôm tô mì tôm ngồi xổm trước cửa tiệm net, vừa ăn vừa húp lấy húp để.
Cậu rất cao, tay chân thon dài, rõ ràng là tư thế ngồi bệ rạc, vậy mà khi cậu làm lại chẳng hề mất điểm chút nào—thậm chí còn có gì đó rất… đẹp mắt.
Rất dễ chịu với người đang nhìn.
Tôi bước đến, đá nhẹ vào bắp chân cậu từ sau lưng:
“Này, sao cậu ngồi trước cửa ăn thế?”
Thẩm Liêu quay đầu lại nhìn tôi, chậm rãi nuốt nốt miếng mì trong miệng:
“Tôi thích. Mà nửa đêm cậu chạy tới đây làm gì? Vào mạng à?”
Tôi không muốn kể mình vừa cãi nhau với gia đình, liền gật đầu theo lời cậu:
“Ừ.”
Ai ngờ cậu lập tức đứng dậy, cau mày dạy dỗ:
“Mạnh Vũ Tinh, cậu là con gái, nửa đêm chạy ra ngoài chỉ để lên mạng, cậu không biết nghĩ à? Không quan tâm đến an toàn của bản thân hả?”
Vừa nói, cậu vừa ném tô mì vào thùng rác, quay vào trong tiệm lấy chìa khóa xe điện, rồi nói:
“Tôi chở cậu về.”
Tôi lùi lại, cứng giọng:
“Tôi không về. Tôi muốn chơi game.”
Cậu ngồi lên xe, giọng đầy bất đắc dĩ:
“Cậu à, giờ này rồi còn chơi bời gì nữa. Về nhà ngủ đi.”
Đ_ọc fu.l,l t@ại pa^ge G(óc N*hỏ, c.ủa T^uệ! L,âm~
Tôi không để ý tới cậu, quay người chạy vào trong tiệm net.
Phía sau cậu còn gọi tôi mấy tiếng, thấy gọi không ăn thua, cậu chỉ đành mở máy giúp tôi ở khu vực cấm hút thuốc:
“Cậu biết dùng không?”
Ngón trỏ cậu xoay xoay chìa khóa xe, tựa người vào bàn trước mặt tôi.
Tôi không biết.
Từ nhỏ tới lớn, ngoài tiết học tin học ở trường, tôi chưa từng chạm tay vào máy tính bao giờ.
Thậm chí chiếc điện thoại tôi dùng cũng là loại rẻ tiền nhất mẹ để lại cho.
Tôi trả lời thật:
“Không.”
Rồi đẩy cậu ra, gục đầu xuống bàn, nhắm mắt ngủ luôn.
Cậu tặc lưỡi một tiếng, tắt máy giúp tôi, rồi kéo tôi ra quầy lễ tân phía trước.
Sau quầy có đặt một cái ghế gấp.
“Ngủ ở đây đi, tôi có thể trông chừng cậu.”
Nói rồi cậu lục trong balo ra chiếc áo khoác đồng phục mùa thu màu xám, ném cho tôi.
“Đắp lên bụng, đừng để bị cảm lạnh.”